Răng bị móm có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng như nghiến răng, lệch hàm, các vấn đề về giọng nói. Vì thế, tình trạng răng móm cần thiết phải điều trị để đảm bảo sức khoẻ và cải thiện thẩm mỹ cho gương mặt.
Mục lục
Thế nào là răng bị móm?
Răng móm (hay khớp cắn ngược, sai lệch khớp cắn độ III) xảy ra khi hàm dưới bị đẩy về phía trước. Trong một khớp cắn bình thường, các răng cửa phải hơi chồng lên các răng dưới. Răng móm là khi răng cửa dưới và khung hàm dưới bị đưa ra trước nhiều hơn răng cửa trên và khung hàm trên.
Răng móm có thể chia làm 3 loại: răng móm do xương, răng móm do răng và răng móm do xương và răng
- Móm do xương hàm: Do xương hàm trên và hàm dưới phát triển mất cân đối, hàm trên ngắn hơn và thụt vào bên trong, trong khi xương hàm dưới lại có xu hướng đưa ra trước hơn hàm trên. Trong các trường hợp này, răng thường ít sai lệch, vấn đề phần lớn nằm ở xương hàm.
- Móm do răng: Xương hàm phát triển bình thường, cân đối, nhưng răng hàm trên lại hơi cụp vào trong hoặc răng hàm dưới chìa ra ngoài, cũng có thể kết hợp cả 2 trường hợp trên.
- Móm do cả răng và xương hàm: sự lệch lạc xương hàm kết hợp răng xô lệch gây ra tình trạng móm răng
Xem thêm: Nhìn tướng răng cửa đoán vận mệnh, tính cách của bạn
Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng móm răng
Yếu tố di truyền
Phần lớn yếu tố quyết định kích thước và hình dáng hàm răng của bạn là do di truyền từ bố mẹ.
Thông thường, các trường hợp móm răng do cấu trúc xương hàm dưới đưa ra hơn so với xương hàm trên thì 70% là do di truyền. Số còn lại có thể do thói quen chống tay, đẩy cằm… Vì vậy, bạn nên chú ý không mắc phải thói quen xấu này nhé.
Những thói quen xấu
Các hành vi kéo dài như mút ngón tay cái , sử dụng núm vú giả hoặc núm vú giả và bú bình khi còn nhỏ có thể khiến hàm thay đổi hình dạng và cũng là nguyên do chính dẫn đến tình trạng răng móm do răng. Răng móm do răng có thể nhận thấy khi các răng không thẳng hàng, răng cửa hàm trên mọc cụp vào trong, không cân đối với răng cửa hàm dưới. Ngoài ra, răng móm do răng cũng có thể gây ra do răng hàm dưới phát triển mạnh hơn, mọc chìa ra ngoài, đồng thời răng hàm trên kém phát triển, dẫn đến mất cân đối cho cả gương mặt, ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
Chấn thương
Những chấn thương nặng như vỡ hàm, gãy xương hàm… có thể để lại di chứng khiến xương hàm bị lệch. Sự phát triển của khối u cũng có thể chèn ép gây thay đổi hoặc lệch hàm dẫn đến móm răng.
Hậu quả khi bị móm răng
Móm răng là khuyết điểm nha khoa mà việc điều trị nó tương đối phức tạp và tốn kém. Chính vì vậy, nhiều người thường e ngại việc điều trị và để mặc tình trạng này diễn ra theo năm tháng. Tuy nhiên, có thể bạn chưa biết rằng, những gì mà tình trạng răng móm có thể gây ra cho chúng ta nguy hại hơn nhiều so với việc khiến ngoại hình của bạn kém thẩm mỹ đi.
Các nguy cơ có thể gặp phải khi bị móm răng:
Sâu răng và các bệnh lý răng miệng
Răng bị móm đặc biệt là móm đi kèm răng khấp khểnh, dễ khiến thức ăn mắc kẹt lại trên răng trong quá trình ăn uống. Tình trạng này cũng gây khó khăn cho việc vệ sinh răng miệng, từ đó, làm tăng nguy cơ bị mòn răng, tăng nguy cơ sâu răng, viêm nướu và hôi miệng.
Ngưng thở khi ngủ, thở bằng miệng và ngủ ngáy nhiều hơn
Tình trạng móm răng nặng hay khớp căn ngược quá mức nếu không được điều chỉnh có thể dẫn đến chứng rối loạn ngưng thở khi ngủ, có liên quan đến thở bằng miệng và ngáy nhiều. Sự tắc nghẽn ở đường hô hấp trên trong khi ngủ gây ra rối loạn, dẫn đến việc thở liên tục hoặc ngắt quãng.
Rối loạn thái dương hàm
Nếu không được điều trị, khớp cắn móm có thể dẫn đến rối loạn cơ và khớp thái dương hàm. Chúng là một nhóm các rối loạn gây ra rối loạn chức năng khiến bạn thấy cực kỳ đau ở hàm và các cơ xung quanh kiểm soát chuyển động của hàm. Những người bị rối loạn thái dương hàm trải qua các loại đau khác nhau, chẳng hạn như đau đầu, đau tai và khó chịu khi mở hoặc đóng miệng.
Ảnh hưởng đến tiêu hoá
Sai lệch khớp cắn do móm răng có thể khiến khả năng nghiền nát thức ăn bị ảnh hưởng, tác động lên hệ tiêu hoá và suy giảm sức khoẻ của bạn với những bệnh lý như dạ dày, thực quản…
Ảnh hưởng đến ngoại hình
Các trường hợp móm răng thường tạo ra khuyết điểm gương mặt, đặc biệt khi nhìn ở góc nghiêng. Một số bạn bị móm nặng khiến cằm đưa ra nhiều, trông hơi gãy, dân gian có câu “mặt lưỡi cày”, điều này có thể làm bạn mất tự tin.
Răng bị móm phải làm sao?
Khớp cắn ngược là dạng sai lệch phức tạp, tuy nhiên nha khoa hiện đại đã phát triển rất nhiều phương pháp chỉnh hình và cải thiện hiệu quả tình trạng móm răng, ngược khớp cắn. Việc điều trị phụ thuộc nhiều vào độ tuổi và sự ổn định của xương và răng nên có thể phân loại theo hai nhóm đối tượng sau:
Điều trị móm răng ở trẻ nhỏ
Đối với trẻ nhỏ khi chưa thay hết các răng sữa bằng răng trưởng thành, cha mẹ cần quan sát xem hai hàm răng của bé có bị mọc lệch, không cân xứng hay không và quan sát hình dạng các răng vĩnh viễn từ khi chúng bắt đầu mọc.
Hạn chế thói quen mút tay, đẩy lưỡi, nghiến răng hoặc dùng ti giả của trẻ để tránh bị móm răng sau này.
Có thể bạn quan tâm: Cảnh giác với các dụng cụ niềng răng tại nhà tự chế
Nếu thấy các biểu hiện của tình trạng móm răng, cần cho trẻ đi gặp bác sĩ nha khoa để kiểm tra và điều trị sớm. Có thể các bé sẽ được đeo hàm trainer, hàm facemask để điều chỉnh khớp cắn sớm, cân đối vòm hàm, giảm nguy cơ bị móm răng do xương hàm sau khi các răng trưởng thành đã mọc hết.
Xem chi tiết: Niềng răng móm ở trẻ nhỏ và những điều cần lưu ý
Điều trị móm răng ở người trưởng thành
Các biện pháp điều trị móm răng được áp dụng tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Niềng răng có thể cải thiện hiệu quả móm do răng
Niềng răng giúp tái sắp xếp các răng lệch lạc trở nên thẳng hàng và cân xứng.
Thông thường, các đối tượng răng móm do răng thường được chỉ định niềng răng để khắc phục khớp cắn ngược. Niềng răng móm do xương cũng có thể áp dụng, tuy nhiên, thường chỉ định cho các trường hợp nhẹ, có thể kéo lùi hàm dưới trong khoảng 4mm, các trường hợp nặng hơn cần tới sự can thiệp của phẫu thuật.
Niềng răng là dịch vụ phổ biến ở hầu hết các trung tâm nha khoa trong nước hiện nay. Ngày càng có nhiều người lựa chọn niềng răng để khắc phục các khuyết điểm không chỉ là móm răng mà còn cải thiện đáng kể các hàm răng chen chúc, lệch lạc, hô, răng thưa…
Nếu quyết định điều trị niềng răng khắc phục răng móm thường bạn sẽ phải mất từ 1,5 – 2 năm hoặc có thể hơn 3 năm để đeo khí cụ chỉnh nha.
Các phương pháp niềng răng được chia làm 2 loại:
- Niềng răng mắc cài
- Niềng răng trong suốt
Bạn có thể xem chi tiết về ưu nhược điểm của các phương pháp niềng răng trong các bài viết sau: Tìm hiểu về niềng răng từ A – Z
Phẫu thuật chỉnh hình giúp chỉnh hình móm do xương hàm
Đối với các ca răng móm nghiêm trọng, niềng răng lúc này không thể khắc phục nhiều về cấu trúc xương hàm, phẫu thuật cắt xương hàm sẽ được cân nhắc thực hiện để phục hình răng móm và mang lại hiệu quả rõ rệt.
Phẫu thuật cắt xương hàm giúp đưa hàm dưới lùi vào, đẩy hàm trên ra cho hai hàm cân xứng với nhau. Phẫu thuật chỉnh hình hàm chỉ áp dụng với bệnh nhân trên 18 tuổi có xương hàm ổn định.
Phẫu thuật chỉnh hình hàm móm là loại phẫu thuật phức tạp, yêu cầu bác sĩ có tay nghề ổn định, kinh nghiệm điều trị tốt. Bạn lưu ý trước khi lựa chọn cơ sở thực hiện phẫu thuật, cần nghiên cứu kỹ, ưu tiên những bệnh viện và phòng khám uy tín, chất lượng.
Chính vì đòi hỏi cao về kỹ thuật thực hiện cũng như tay nghề, kinh nghiệm của bác sĩ mà mỗi ca phẫu thuật cắt hàm để khắc phục răng móm thường tốn kém khoản chi phí khá lớn. Phương pháp này có chi phí thực hiện cao hơn nhiều lần so với niềng răng, có thể gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi tuỳ vào mức độ nghiêm trọng của răng bạn.
Bọc răng sứ
Trên đây là hai biện pháp phổ biến cải thiện hiệu quả tình trạng khớp cắn móm, ngoài ra một số người lựa chọn bọc răng sứ. Biện pháp này cũng có thể hiệu quả với các trường hợp móm nhẹ do răng, phù hợp cho người không muốn đeo niềng răng lâu dài.